Người Việt Sợ Thay Đổi: Cải Cách Giáo Dục

Khi chỉ trích cách đánh vần theo công nghệ giáo dục, nhiều người bị nói là “người Việt sợ thay đổi” nên luôn phản đối tất cả những cái mới dẫn đến không tiến bộ được. Thật sự người Việt có sợ thay đổi nhiều hơn các dân tộc khác không?

Có lẽ là người Việt sợ thay đổi thật. Một ngàn năm bị Tàu chiếm đóng mà vẫn không đổi qua nói tiếng Hán, một trăm năm bị Pháp chiếm đóng mà vẫn không chịu đổi qua nói tiếng Pháp mà cứ khư khư giữ lấy cái tiếng Việt. Trên thế giới này, có bao nhiêu dân tộc giữ được tiếng nói khi bị chiếm đóng lâu như vậy?

Nhưng nghĩ lại thì có vẻ không phải. Trước đây do không có chữ viết, người Việt nói tiếng Việt nhưng phải viết tiếng Hán. Sau này có chữ Nôm lại đổi qua viết chữ Nôm. Sau đó nữa có chữ Quốc Ngữ thì lại đổi qua chữ Quốc Ngữ. Trên thế giới này, có bao nhiêu dân tộc thay đổi chữ viết toàn bộ nhiều lần như vậy?

Để tìm hiểu vấn đề này một cách bài bản, có lẽ phải đi vào tâm lý học và hành vi học.

Theo Prospect theory của Kahneman (Nobel kinh tế) và Tversky, con người ra quyết định dựa trên cân nhắc giữa được và mất. Nhưng vì con người luôn cảm thấy giá trị của mất mát lớn hơn giá trị của được nên về bản chất, con người chỉ thay đổi khi cái được vượt xa cái mất. Ví dụ như khi bạn mua một cây đàn mới thì bạn vui 1, nhưng nếu mất nó thì bạn buồn đến 1.2. Vì vậy, bạn chỉ đổi cây đàn của bạn mới mua để lấy 1 cây đàn khác nếu cây đàn khác đó tốt hơn cây đàn của bạn hơn 20%.

Đó là chỉ nói cây đàn mới mua, nếu bạn sở hữa cây đàn đó 1 thời gian, Endownment efffect (Kahneman và Thaler, hai người đều có giải Nobel economics) lớn dần lên, làm cho việc mất nó có thể khiến bạn buồn đến 1.4. Để đổi cây đàn này, cây đàn khác phải tốt hơn 41%.

Như vậy theo tâm lý học và hành vi học, con người nhìn chung sợ thay đổi chứ không riêng gì người Việt, nhất là thay đổi những gì đã gắn bó với họ lâu dài như ngôn ngữ chẳng hạn.

Người nào tiếp tục nói người Việt sợ thay đổi thì chỉ chứng tỏ 2 điều: (1) thiếu hiểu biết; và (2) phân biệt chủng tộc (1 điều tối kỵ trong các xã hội văn minh).

Nếu con người sợ thay đổi như vậy, làm sao chúng ta làm cho họ thay đổi? Các bạn có biết Quản trị thay đổi (Change management) là cả một ngành chuyên môn hay không?

Về cơ bản, bạn phải làm được hai chuyện:

  • Thuyết phục họ cái mới tốt hơn cái cũ nhiều, ít ra phải đủ nhiều theo Prospect theory. Ví dụ như đưa ra bằng chứng, thí nghiệm trên diện hẹp, tạo ra early victories,…
  • Tạo ra Endownment effect với cái mới bằng cách cho họ tham gia vào quá trình tạo ra cái mới ngay từ đầu. Ví dụ: đưa họ vào các cuộc họp phát triển cái mới, lắng nghe ý kiến của họ, đưa ý kiến của họ vào cái mới,…

Không phải ngẫu nhiên mà tôi luôn kiến nghị khách hàng của mình phải mua thêm gói change management kèm theo các gói tư vấn khác. Khoảng 50% các dự án thay đổi bị phá sản là do không biết change management mặc dù cái mới tốt hơn cái cũ.

Nhìn lại các đợt cải đắng giáo dục ở Việt Nam, thật là thảm hoạ về change management. Nhưng những người làm cứ luôn vỗ ngực xưng tên và vẫn tiếp tục chỉ trích “quần chúng” là thiếu hiểu biết. Trong khi chính họ mới là người thiếu hiểu biết: thiếu hiểu biết về khoa học, thiếu hiểu biết về hành vi con người, thiếu hiểu biết về quản trị thay đổi.

Người Việt sợ thay đổi? Hay là bạn không biết cách thay đổi?

by Nga Ho-Dac

Please ‘like’ the Facebook page or subscribe to the mailing list to receive notifications of new posts.

Please click on the tags below to find similar articles.