Đặc Khu Kinh Tế 4.0

Các quan chức chính phủ và đại biểu quốc hội đều phát biểu rằng các đặc khu kinh tế là để mời gọi “phượng hoàng” vào lót ổ chứ không dành cho “chim sẻ” như một lập luận để biện minh cho việc cho thuê đất dài hạn 99 năm. Thế nhưng lập luận này có cơ sở gì hay không? Để làm sáng tỏ thì phải nói rõ “phượng hoàng” là gì? họ có cần nhiều đất trong thời gian dài hay không?

Đặc khu

Nếu “phượng hoàng” là các công ty lớn mạnh thì có lẽ lập luận trên hoàn toàn sai. Các công ty lớn mạnh trên thế giới có vòng đời ngày càng ngắn. 500 công ty lớn nhất niêm yết ở Mỹ có tuổi thọ trung bình ở năm 2012 là ít hơn 20 năm. Con số này vào năm 1950 là 60 năm. Điều này là do tốc độ thay đổi công nghệ ngày càng nhanh. Do đó có thể nói rằng trong tương lai, tuổi thọ trung bình của các công ty lớn mạnh trên thế giới sẽ ít hơn 20 năm. Như vậy không có lý do gì cho các công ty thuê đất nhiều hơn 25 năm (cho thêm 5 năm dự bị, nếu bị phá sản trước đó sẽ bị thu hồi).

Đặc khu

Thêm vào đó, chính phủ ta luôn kêu gọi phát triển công nghiệp 4.0 mà công nghiệp 4.0 không có cần nhiều đất trong thời gian dài. Ví dụ như Uber phát triển thành công ty trị giá 72 tỷ đô chỉ trong 6 năm và chỉ cần 1 diện tích văn phòng rất nhỏ.

Như vậy có thể thấy rõ, để thu hút các công ty lớn mạnh trên thế giới, chúng ta không cần cho thuê nhiều đất trong thời gian dài. Cho thuê đất trong thời gian dài chỉ thu hút được những người và tổ chức đầu cơ đất, cơ hội, và địa chính trị mà thôi.

Thay vào đó, chúng ta nên phát triển đặc khu kinh tế công nghiệp 4.0. Nền tảng của đặc khu này không liên quan đến đất đai vì điều đó là không cần thiết. Thay vào đó là hành lang pháp lý để bảo vệ bản quyền, thị trường, công nghệ; xây dựng hệ sinh thái tri thức nội bộ và liên kết ra trên toàn thế giới; phát triển các dịch vụ hỗ trợ như tài chính, luật, kinh doanh … đó chính là nền tảng của một đặc khu 4.0 chứ không phải đất đai.

Như vậy, việc dùng lập luận muốn thu hút “phượng hoàng” vào làm tổ để biện minh cho việc cho thuê đất nhiều và dài hạn là không có cơ sở thực chứng mà chỉ là nguỵ biện. Khi chúng ta sử dụng nguỵ biện, người ta có quyền nghi ngờ động cơ theo hướng xấu nhất. Cần nhiều đất trong thời gian dài như vậy, chắc chỉ có kền kền.

by Nga Ho-Dac

Please ‘like’ the Facebook page or subscribe to the mailing list to receive notifications of new posts.

Please click on the tags below to find similar articles.