Văn Hoá Cao – Thấp

Hôm qua nhận được quà Tết từ một “học trò” đặc biệt. Cô là Associate Professor của trường National Chiao Tung University ở Đài Loan, hiện đang làm Visiting Professor ở University of California, Berkeley bên kia cầu. Mỗi tuần 2 lần, cô đến học dự thính ở lớp của mình bên San Francisco về Digital Marketing. Dự là sẽ mang môn này về trường của cô ở Đài Loan. Món quà là một loại trà trên núi cao ở Đài Loan. Tết này có trà lạ uống rồi 😀

Thông thường sinh viên Mỹ không tặng quà cho thầy cô và thầy cô cũng không nhận quà từ sinh viên. Nhưng mình nhận món quà này vì 2 lý do. Thứ nhất mình biết đây là văn hoá của người Đài Loan. Thứ hai, cô chỉ học dự thính chứ chẳng có liên quan gì đến điểm số nên mình không có ngại.

Tuy cô đã có tuổi, nhưng trong lớp cô lại học hết mình, tham gia vào các hoạt động chung với các bạn sinh viên trẻ rất nhiệt tình và không có khoảng cách gì với các bạn sinh viên cả. Đó lại là một nét văn hoá rất Mỹ, rất không Á Đông. Trong cùng một con người, cô vẫn giữ văn hoá Á Đông, vẫn hoà nhập vào văn hoá của Mỹ một cách tự nhiên. Đó là một điều mình rất thích.

Trái ngược lại, mình cũng thấy có một số người, khi thì sử dụng tiêu chuẩn của văn hoá Mỹ để chê văn hoá Á Đông. Khi thì sử dụng tiêu chuẩn văn hoá Á Đông để chê văn hoá Mỹ. Suy cho cùng, cũng chỉ là để tôn bản thân họ lên mà thôi. Văn hoá không phải tự nhiên mà có, mà đó là quá trình thích nghi của một nhóm người khi sống trong một điều kiện địa lý, khí hậu, kinh tế, chính trị, … nhất định. Thật là khó và không có cơ sở khách quan để sử dụng tiêu chuẩn của một nền văn hoá này để đánh giá hành vi của một nền văn hoá khác. Ví dụ như người Hindu không ăn bò vì một số lý do tôn giáo. Bạn nghĩ sao nếu họ chỉ trích những người ăn thịt bò ở các quốc gia khác?

Qua nhiều nghiên cứu bằng nhiều phương pháp khác nhau, các nhà nghiên cứu văn hoá hiện đại dần đi đến sự đồng ý là: văn hoá chỉ có khác biệt, không có cao hay thấp. Và người có văn hoá cao chính là người có độ bao dung (tolerant) với các khác biệt văn hoá, chứ không phải là người đi sử dụng một tiêu chuẩn văn hoá này để chỉ trích một văn hoá khác.

Mình dạy học ở San Francisco, là nơi hội tụ của nhiều nền văn hoá khác nhau. Sinh viên trong lớp mình dạy đến từ (hoặc có nguồn gốc từ) khắp nơi trên thế giới. Do đó, các bạn đó có nhiều cách hành xử rất khác nhau. Các sinh viên đến từ Đông Á thì rất lễ phép. Nhiều bạn học xong về Nhật, Hàn để làm rồi nhưng có dịp công tác qua San Francisco cũng ghé vào văn phòng hỏi thăm. Còn các bạn Mỹ sau khi tốt nghiệp mỗi lần ghé văn phòng thì thường là nói chuyện công việc như nhờ viết thư giới thiệu, có khó khăn trong công ty muốn hỏi ý kiến … Mình không đánh giá mấy bạn Mỹ sao quá thực dụng. Mình cũng không nói mấy bạn Nhật, Hàn sao quá lôi thôi. Tất cả những chuyện đó mình đều xem là bình thường vì đó là văn hoá của họ. Mình hiểu, và mình trân trọng.

Nói về tôn trọng khác biệt văn hoá, trường của mình cho mỗi người (sinh viên, giáo sư, nhân viên …) được nghỉ một ngày lễ cá nhân (personal holiday) theo văn hoá của họ. Mình có thể nghỉ một ngày Tết nếu mình muốn. Nhưng mình không nghỉ vì thấy không cần thiết mà lại ảnh hưởng đến sinh viên. Nhưng nếu bạn đồng nghiệp hay sinh viên nào nghỉ thì mình cũng thấy vui vẻ thôi. Không nhất thiết người khác phải có chọn lựa giống mình. Tôn trọng sự khác biệt!

by Nga Ho-Dac

Please ‘like’ the Facebook page or subscribe to the mailing list to receive notifications of new posts.

Please click on the tags below to find similar articles.