Ý Nghĩa Con Số: Quốc Gia Hạnh Phúc

Tuần rồi mình đi hội thảo ở Charleston có gặp hai báo cáo viên đến từ Phần Lan (Finland) trong bữa tối, một người là giáo sư còn một người là nghiên cứu sinh. Lúc đó báo cáo Hạnh Phúc Thế Giới (World Happiness report) 2019 mới ra nên mình có chúc mừng hai bạn í rồi có hỏi tại sao Phần Lan liên tục được xếp là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới (hình 1). Hai bạn í trả lời rằng hông biết người ta xếp kiểu gì nữa, chứ tụi tao thấy ở Phần Lan buồn lắm, người Phần Lan nhiều người còn không biết cười là gì! Mình có nói đùa, trừ lúc sau khi uống vài ly hoặc trong phòng tắm hơi phải không? Hai người nhìn nhau gật đầu. Có lẽ do thời tiết quá lạnh, người Phần uống rất nhiều (một trong những quốc gia uống rượu nhiều nhất) và rất thích tắm hơi. Trong những lần được mời qua Phần Lan dạy học, mình cũng thấy người Phần rất khác sau khi uống rượu và trong phòng tắm hơi, họ vui vẻ hơn hẳn so với những lúc khác. 

Hình 1: Quốc gia hạnh phúc

Khi mình hỏi về dự định tương lai thì cả hai người đều nói muốn kiếm việc ở một nước khác để ra khỏi Phần Lan vì cuộc sống ở đó khá là buồn. Mình hỏi buồn như thế nào thì họ trả lời, buồn đến độ rất nhiều người Phần bị trầm cảm (hình 2). Việc bị trầm cảm phổ biến đến độ đối với người Phần, việc uống thuốc trầm cảm trở thành một kiểu thời trang và họ rất thoải mái khi nói về việc họ đang uống thuốc. Và Phần Lan cũng là một trong những nước có tỷ lệ tự tử cao trên thế giới (hình 3).

Hình 2: Quốc gia trầm cảm
Hình 3: Quốc gia tự tử

Tại sao một quốc gia có rất nhiều người trầm cảm và tự tử lại là quốc gia hạnh phúc nhất? Để ra được báo cáo hạnh phúc này, người ta phỏng vấn một số công dân của tất cả các quốc gia xem họ có hạnh phúc không trên thang điểm từ 1 đến 10 rồi sau đó xếp hạng. Vấn đề là, đại đa số những người được phỏng vấn chỉ sống ở một quốc gia (đi làm và đi chơi ngắn hạn thì không tính được), làm sao họ biết được sống ở các quốc gia khác như thế nào? Do đó, việc so sánh câu trả lời của công dân các quốc gia khác nhau để xếp hạng quốc gia hạnh phúc là vô nghĩa. Giống như việc so sánh cơm và bánh mì cái nào ngon hơn bằng cách hỏi một người cả đời chỉ ăn cơm là cơm ngon không và một người cả đời chỉ ăn bánh mì là bánh mì ngon không. Người cả đời chỉ ăn cơm trả lời cơm được 8/10 điểm. Người cả đời chỉ ăn bánh mì bảo bánh mì được 7/10 điểm. Rồi dùng kết quả phỏng vấn đó để kết luận là cơm ngon hơn bánh mì. Hai con số 8/10 và 7/10 đó không thể so sánh được vì nó không nằm chung một hệ quy chiếu. Việc so sánh như vậy chẳng có ý nghĩa gì cả! 

Để so sánh này có ý nghĩa, chúng ta phải kiếm được những người sống ở tất cả các quốc gia vào cùng một thời gian và hỏi họ cho điểm từng quốc gia rồi sau đó so sánh. Đương nhiên là điều nay không khả thi. Nói cách khác, cái World Happiness report này chả có ý nghĩa gì cả.

Mà đó là báo cáo của Liên Hiệp Quốc được thực hiện bởi các học giả ở các viện và trường nổi tiếng đó nhé. Thế tại sao những tổ chức, viện, trường, và các học giả tầm cỡ như thế lại làm ra cái báo cáo tào lao thế này?? Các bạn thử nhìn vào tên của các tổ chức này (hình 4) và kết quả báo cáo thử xem có trả lời được câu hỏi này không? À, một câu hỏi nhỏ kèm theo là tại sao họ gọi Đài Loan là Taiwan Province of China (hạng 25).

Hình 4: Các tổ chức thực hiện

Bây giờ các thể loại báo cáo, nghiên cứu, số liệu rất nhiều. Vàng thau lẫn lộn. Do đó các bạn phải rèn luyện kỹ năng đọc hiểu các số liệu để có thể phân biệt vàng thau. Cũng đừng để các tên tuổi nghe rất kêu (cả thật lẫn giả) lừa các bạn nhé. Nhiều thứ được làm ra không phải để phục vụ khoa học và sự thật mà có những mục tiêu khác.

“There are three kinds of lies: lies, damned lies, and statistics.”

by Nga Ho-Dac

Please ‘like’ the Facebook page or subscribe to the mailing list to receive notifications of new posts.

Please click on the tags below to find similar articles.